Thông thường, có các chỉ số sức khỏe phổ biến để phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể bạn. Nếu các chỉ số dao động này bất thường thì đó có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh. Kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn theo dõi huyết áp, cân nặng, lượng đường trong máu và các chỉ số sức khỏe khác, đồng thời phát hiện sớm nhất một số tình trạng bất thường mà cơ thể đang trải qua. Mỗi chỉ số sức khỏe là một con số, đại diện cho nhiều vấn đề cần được quan tâm. Dưới đây là 5 chỉ số sức khỏe quan trọng nhất cần lưu ý.
Chỉ số huyết áp 120/80 mmHg
– Ý nghĩa: Đo mức độ khoẻ mạnh của tim.
– Vì sao cần quan tâm? Huyết áp là đơn vị đo áp lực của máu khi chúng bị đẩy dọc theo các thành động mạch. Con số này miêu tả áp lực khi tim đẩy máu đi (áp lực tâm thu) và khi tim nghỉ giữa những lần đập (áp lực tâm trương). Chỉ số huyết áp càng cao đồng nghĩa với việc tim phải làm việc vất vả hơn để đưa máu đi khắp cơ thể. Điều này tạo ra nguy cơ dễ bị bệnh cao huyết áp hay bị đau tim.
Một người bị huyết áp cao khi có chỉ số huyết áp lớn hơn 140/90 mmHg. Những triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ nhẹ… Một số người có biểu hiện đau vùng tim, thị lực giảm, thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái nhợt… Tuy nhiên, nhiều người đi khám phát hiện cao huyết áp nhưng lại không có biểu hiện gì. Chính vì vậy, cao huyết áp thường được phát hiện muộn, khi đó người bệnh có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim… thậm chí tử vong do đột quỵ.
Huyết áp thấp là chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg. Khi huyết áp thấp, máu lên não không đủ, cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Chỉ số cholesterol 100 mg/dl (LDL cholesterol) và 40 mg/dl (HDL cholesterol)
– Ý nghĩa : Đo mức cholesterol “xấu” (LDL) và cholesterol “tốt” (HDL) trong cơ thể.
– Vì sao cần quan tâm? Cholesterol là con số đo lượng chất béo trong máu (đơn vị đo là miligram (mg) / deciliter (dl)). LDL (low- density lipoprotein) là loại cholesterol “xấu” vì chúng góp phần làm hình thành các mảng bám ở động mạch. HDL (high- density lipoproteine) là loại cholesterol “tốt” vì chúng giúp đưa các LDL ra khỏi động mạch. Khi cơ thể có nhiều LDL có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ rất cao.
Bác sĩ khuyên người từ 20 tuổi nên kiểm tra mỡ máu định kỳ hàng năm. Với những người có vấn đề về tim mạch thì cần kiểm tra thường xuyên hơn, phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Chỉ số nhịp tim 60 nhịp trong một phút (bpm)
– Ý nghĩa: Số lần đập của tim trong một phút khi bạn đang nghỉ ngơi (từ 60 lần/ 1 phút trở xuống được xem là khoẻ mạnh).
– Vì sao cần quan tâm? Nhịp tim đập càng nhanh (trong lúc đang nghỉ ngơi) có nghĩa là tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu. Nhịp tim cao sẽ làm cơ thể phải hoàn thành các công việc rất đơn giản hàng ngày (như ăn sáng hay mở nắp chai nước…) khó khăn hơn nhiều. Kết quả là người bệnh bị tổn thương, mệt mỏi, căng thẳng ở tim và mạch máu (do làm việc quá sức). Tất cả những rắc rối này sẽ được ngăn chặn bằng cách tập thể dục mỗi ngày và duy trì cân nặng phù hợp.
Số đo vòng eo dưới 90 cm đối với nữ và 100 cm đối với nam
– Ý nghĩa: Thể hiện chu vi vòng eo
– Vì sao cần quan tâm? Vòng 2 có thể báo trước nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khoẻ như các bệnh về tim mạch, tiểu đường… Tốt hơn các phương pháp kiểm tra khác như cân nặng hay theo dõi chỉ số cơ thể BMI. Chỉ cần giảm 2,5 cm ở vòng eo đã giúp trái tim của mình khoẻ hơn rất nhiều.
Theo bác sĩ, có hai nhóm người béo: béo đều và béo bụng. Những người béo bụng tức là mỡ ở da bụng và mỡ nội tạng rất nhiều. Mỡ nội tạng sản xuất ra các protein, hormone gây tổn thương ở hệ tim mạch; tăng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tăng nguy cơ tiểu đường, máu nhiễm mỡ. Khi vùng bụng tăng tức là mỡ nội tạng nhiều, nguy cơ các biến cố tăng cao.
Cách đo vòng eo vô cùng đơn giản: dùng thước dây đo quanh eo ở nơi nhỏ nhất. Những người có vòng eo lớn hơn 90 cm đối với nữ giới và 100 cm đối với nam giới đều phải chú ý đến sức khoẻ của bản thân nhiều hơn và cố gắng tập luyện để giảm cân (giảm cả vòng eo).
Chỉ số lượng đường huyết từ 80 mg/dl đến 100 mg/ dl
– Ý nghĩa: Những con số này thể hiện lượng đường glucose có trong máu. Cụ thể là sau khi ngủ dậy hoặc sau khi nhịn đói khoảng 8 giờ.
– Vì sao cần quan tâm? Việc kiểm tra lượng đường (hay mức glucose) trong máu là một việc nên làm. Giúp biết được khả năng hấp thụ lượng đường tinh chế của cơ thể. Và để xem xét liệu cơ thể có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không? Nếu chỉ số đường huyết trên 100 mg/ dl tức là đang trong giai đoạn có nguy cơ bị bệnh. Đây là thời điểm lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường. Nhưng không quá cao tới mức để kết luận bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, rất may mắn là các kết quả nghiên cứu đã cho thấy nếu nhận biết được nguy cơ mắc bệnh sẽ giúp thời gian để trì hoãn sự tiến triển của căn bệnh.
Nếu lượng đường huyết nằm ở mức từ 126 mg/ dl trở lên thì chắc chắn đã bị tiểu đường type 1 hoặc 2. Bắt buộc phải điều bị bệnh ngay lập tức.
Khám sức khỏe định kỳ chính là một trong những phương pháp giúp mỗi người kiểm soát được thể trạng của mình để duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy đừng chủ quan và hãy bổ sung các kiến thức cần thiết để giúp chẩn đoán, phòng ngừa bệnh và biết sớm để được khám chữa kịp thời.