Chỉ số huyết áp dù cao hay thấp cũng đều cảnh báo tình trạng sức khỏe xấu hay chức năng hoạt động các cơ quan trong cơ thể, các rủi ro bạn có thể gặp phải. Đó là lí do bạn cần biết được chỉ số huyết áp bình thường cũng như các tác nhân gây thay đổi huyết áp để từ đó có biện pháp tự phòng tránh. Đo huyết áp thường xuyên để theo dõi sức khỏe là một việc làm quan trọng của những người bị bệnh huyết áp, đặc biệt là đối vời người bị cao huyết áp. Cao huyết áp được biết là nguyên nhân gây ra các bệnh về tin mạch. Mà các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam.
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của mạch máu lên thành động mạch. Huyết áp thì bằng cung lượng tim nhân với sức cản ngoại vi từ công thức này ta có thể biết được những yếu tố làm tăng giảm huyết áp.
Bình thường khi đo huyết áp có 2 chỉ số: số cao hơn là huyết áp tâm thu hay áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp, Chỉ số còn lại là huyết áp tâm trương hay áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.
Chỉ số huyết áp bình thường
Chỉ số huyết áp bình thường theo phân loại của Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH) năm 2018:
Huyết áp bình thường được xác định khi:
- Huyết áp tâm thu từ 90 mmHg đến 129 mmHg.
- Huyết áp tâm trương: Từ 60 mmHg đến 84 mmHg.
Huyết áp thấp:
- Huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu < 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg.
- Huyết áp thấp dẫn tới máu không cung cấp đủ cho sự hoạt động các cơ quan nhất là những cơ quan ở xa và trên cao như não có thể có biểu hiện như: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn….
Huyết áp cao:
Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… Làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam. Chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc. Năm 2009 tỷ lệ cao huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%.
Phân độ tăng huyết áp theo Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH) năm 2018:
- Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.
- Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
Cách đo huyết áp đúng chuẩn
1. Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.
2. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
3. Tư thế: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim, chân chạm sàn, không bắt chéo chân (Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng). Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
4. Quấn băng quấn đủ chặt trên cánh tay, bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm. Đặt máy ở vị trí để đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
5. Nếu không dùng thiết bị đo tự động, trước khi đo phải xác định vị trí động mạnh cánh tay để đặt ống nghe. Bơm hơi thêm 30mmHg sau khi không còn thấy mạch đập. Xả hơi với tốc độ 2-3mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu tương ứng với lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên và huyết áp tâm trương tương ứng với khi mất hẳn tiếng đập.
6. Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
7. Nên đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
8. Trường hợp nghi ngờ, có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ.