Bệnh da vảy cá được xem là một trong số những chứng bệnh da liễu thường gặp. Tuy nhiên vì nguyên nhân dẫn đến chứng vảy cá khá đa dạng nên nhiều khi người bệnh sẽ bị nhầm lẫn. Tất nhiên theo các bác sĩ, căn bệnh này gần như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho chứng bệnh này nhưng vẫn có nhiều cách khiến chúng ta có thể kiểm soát được các triệu chứng liên quan. Ngay sau đây là chia sẻ của chúng tôi về một số cách chữa bệnh da vảy cá an toàn và hiệu quả. Thân mời các bạn cùng đón xem.
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh da vảy cá
Bệnh vảy cá còn được gọi là tình trạng da khô vảy cá. Đây là một kiểu bệnh về da liễu di truyền gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Da vảy cá hình thành chủ yếu ở trên bề mặt da, do các tế bào chết tích tụ thành những mảng da khô. Các miếng da khô dày nhưng không bong tróc như á sừng mà trông giống như vảy cá vậy.
Bệnh thường xuất hiện ngay trong giai đoạn sơ sinh. Biểu hiện ban đầu không rõ ràng với những miếng da khô vảy cá nên thường bị hiểu nhầm là viêm da cơ địa. Chỉ khi nào trẻ lớn lên một chút, các lớp da chết khô và hình thành vết nứt giống như vảy cá thì mới chẩn đoán chính xác được loại bệnh.
Nguyên nhân
– Di truyền: Nguyên nhân chính của bệnh da vảy cá là do di truyền. Bệnh di truyền từ người mẹ hoặc bố của em bé. Hoặc cũng có thể do người thân của bé từng có người mắc nên em bé khi sinh ra có mang theo gen di truyền. Nếu như bố mẹ không có bệnh nhưng người thân trong gia đình bị thì gen lặn từ bố mẹ sẽ truyền sang con và hình thành bệnh ngay từ khi sinh ra. Đây là căn bệnh di truyền tương đối phổ biến.
– Do dùng thuốc hoặc suy giảm miễn dịch: cũng có trường hợp bệnh da vảy cá hình thành không do di truyền mà do nguyên nhân khác. Có thể là do suy giảm miễn dịch, người mắc HIV/AIDS, hoặc các bệnh mãn tính khác, ung thư. Cũng có nguyên nhân gây ra từ loại thuốc đặc trị mà người bệnh đang sử dụng.
– Do tổn thương ở da: cũng có trường hợp hình thành từ những tổn thương ở da. Sau khi lành lạnh, phần da ở vết thương khô cứng và đóng vảy giống như vảy cá. Trường hợp này không đáng ngại lắm.
Triệu chứng của người bị da vảy cá
– Phần da có cảm giác rất khó chịu, khô cứng và căng.
– Lớp da bị đóng vảy màu nâu hoặc màu xám trắng, có thể bị bong tróc.
– Lớp da bị bệnh dày lên và cảm giác tê cứng.
– Ở tình trạng nặng, lớp da hình thành các vết nứt sâu nhất là ở da lòng bàn chân, lòng bàn tay gây nên đau đớn cho người mắc.
– Bệnh trở nặng hơn vào mùa đông khi da bị khô, thiếu độ ẩm.
Nhìn chung thì da vảy cá là bệnh da liễu cần được chữa trị phần lớn dựa vào triệu chứng để giảm những đau đớn, khó chịu cho người mắc. Tình trạng gây nên rất nhiều phiền toái cho người mắc phải. Người mắc da vảy cá, nhất là ở bàn tay hoặc những vị trí dễ lộ ra bên ngoài thường cảm thấy rất mất tự tin trong giao tiếp. Họ rất e ngại để người khác nhìn thấy. Những người xung quanh khi nhìn thấy bàn tay bị da vảy cá cũng rất e ngại khi tiếp xúc bởi nhìn chúng rất ghê và sợ lây cho mình. Do vậy, bệnh gây nên nhiều trở ngại lớn trong giao tiếp và công việc, sinh hoạt thường ngày cho người mắc phải.
Bên cạnh đó khi da đóng vảy thì lớp da bệnh thường cứng lên và gây mất cảm giác; khó khăn với những hoạt động chân tay. Nếu tình trạng trở nặng có thể gây nên vết nứt sâu, gây đau đớn. Nếu không xử trí đúng cách thì vết nứt có thể lan rộng, thậm chí nhiễm trùng, rất nguy hiểm và khó chữa trị hiệu quả.
Những phương pháp giúp hỗ trợ điều trị bệnh da vảy cá
Đây là căn bệnh di truyền y học hiện đại chưa có phương pháp chữa khỏi dứt điểm. Người ta chỉ điều trị theo cách làm giảm bớt triệu chứng nặng của bệnh, để tình trạng không tiến triển nặng thêm.
Bệnh nhân tự điều trị tại nhà
Với những trường hợp bệnh ở mức nhẹ; các bạn có thể áp dụng những phương pháp tự điều trị tại nhà bằng cách:
– Ngâm nước ấm: Bạn ngâm phần da bị vảy cá vào nước ấm để làm mềm da. Sau đó lau khô và bôi lên da những sản phẩm giúp giữ ẩm và kháng khuẩn cho da.
– Tắm bằng nước muối biển: Bạn nên thường xuyên tắm bằng nước ấm pha với muối biển để vừa làm mềm da. Điều này không cho da đóng vảy vừa sát khuẩn vùng da bị bệnh.
– Tẩy tế bào chết: bạn nên dùng một hòn đá kỳ hoặc bọt biển để kỳ cọ lên vết da chân đang có nguy cơ đóng vảy cá. Kết hợp thêm các sản phẩm có chứa axit salicylic, axit glycolic hoặc axit lactic. Việc này giúp tẩy tế bào chết cho da, giảm kích ứng da, ngăn bệnh lan rộng và tránh tình trạng da đóng vảy cứng.
Bệnh nhân có thể sử dụng sản phẩm đặc trị viêm da
Nếu bệnh da vảy cá tiến triển nặng, tốt nhất bạn nên đi khám da liễu. Bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn các loại kem và thuốc mỡ để điều trị tại chỗ; giảm triệu chứng viêm da. Các sản phẩm này có chứa Axit lactic hoặc axit alpha hydroxy. Chúng sẽ làm mềm da, kháng khuẩn, giảm ngứa tại chỗ.
Hoặc có thể sử dụng sản phẩm có chứa Retinoids. Chúng có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất tế bào da của cơ thể. Nếu tình trạng quá nặng thì bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc uống có chứa kháng sinh. Thuốc sẽ ngăn chặn tình trạng vi khuẩn xâm nhập bên trong, tránh nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, những thuốc đường uống này thường gây tác dụng phụ nhất là làm suy yếu xương, ảnh hưởng dạ dày. Do vậy, người bệnh cần được thăm khám, xác định tình trạng bởi bác sĩ chuyên khoa mới định hướng cách điều trị và xem có cần thiết phải uống thuốc hay không.
Nếu da của bạn bị nhiễm trùng cần phải tiến hành điều trị theo phác đồ nhiễm trùng da bằng thuốc uống hoặc bôi lên da. Nếu bạn bị nhiễm trùng da thường xuyên, bác sĩ có thể khuyên bạn nên cho thêm một lượng nhỏ chất tẩy vào bồn tắm của bạn. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được lạm dụng điều này. Bạn chỉ sử dụng khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
Kết luận
Nhìn chung bệnh này không quá nguy hiểm. Về cơ bản hầu hết bệnh nhân bị da vảy cá đều có tuổi thọ bình thường. Bệnh cũng có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn theo tuổi tác. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều cần tiếp tục điều trị trong suốt cuộc đời của họ. Nếu bệnh da vảy cá nhẹ, bạn có thể chỉ cần điều trị trong mùa đông khi không khí khô. Bạn cần nhớ uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều hoa quả; cung cấp vitamin để tăng sức đề kháng. Bạn cũng đừng quên cung cấp độ ẩm cho da. Nên khám da liễu định kỳ để xác định tình trạng bệnh và có hướng điều trị chuyên khoa khi cần thiết bạn nhé.