Đối với những người cao tuổi, việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe là điều quan trọng nhất. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp họ tránh được nhiều bệnh tật, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Trái lại, một chế độ ăn không hợp lí, thừa hay thiếu chất quá nhiều sẽ dẫn đến các căn bệnh nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vậy người cao tuổi cần chế độ dinh dưỡng thế nào? Cần bổ sung và chế biến đồ ăn như nào để đảm bảo sức khỏe trong đại dịch? Hãy cùng tìm hiểu trong câu chuyện của anh Quân dưới đây.
Câu hỏi về dinh dưỡng cho người cao tuổi của anh Quân
Bố tôi năm nay 65 tuổi, mắc tăng huyết áp, gần đây hay chán ăn, mệt mỏi. Tôi nên bổ sung và chế biến thực phẩm thế nào để giúp bố tăng đề kháng? Nhờ bác sĩ tư vấn cho tôi chế độ dinh dưỡng và cần lưu ý gì thêm để đảm bảo sức khỏe cho bố trong đại dịch này. (Nguyễn Minh Quân, 30 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội).
Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi trong đại dịch
Chế độ dinh dưỡng với thực phẩm đa dạng
Người cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao mắc Covid-19, đặc biệt là người có bệnh lý nền. Để chung sống an toàn với Covid-19, người cao tuổi ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế (thông điệp 5K và tiêm phòng), cần kiểm soát tốt bệnh lý nền. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, duy trì tập luyện, giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan. Cụ thể:
Gia đình cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng đa dạng thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày. Bao gồm nhóm ngũ cốc (250- 300 g), nhóm chất đạm (thịt, cá, tôm, đậu, đỗ, lạc… 150-200 g, cân đối đạm động vật và thực vật), nhóm chất béo (nên sử dụng dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu, mỡ cá: 20-25 g), nhóm rau xanh: 200-300 g, quả chín: 200-300 g.
Không nên ăn nhiều đường, nhiều muối. Mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 20 g đường, lượng muối dưới 6g/ngày (tương đương dưới 8 g bột canh, 30 ml nước mắm). Ăn các thực phẩm nhiều vitamin nhóm A, C, E giúp tăng cường miễn dịch; có nhiều trong các loại hoa quả và rau xanh (cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, cà rốt, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt…).
Uống đủ nước, hạn chế thực phẩm xấu
Tổ chức bữa ăn vui vẻ trong gia đình để cải thiện không khí. Người cao tuổi nên ăn từ từ, chậm rãi. Giúp tăng cảm giác ngon miệng, đạt nhu cầu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa thức ăn.
Uống đủ nước, nhu cầu 30-35 ml/kg. Bao gồm nước lọc, sữa, nước canh… Uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày để giữ ẩm cổ họng. Không uống nước nhiều trước khi đi ngủ.
Hạn chế các món ăn chứa đường hấp thu nhanh. Như nước ngọt, nước có ga, bánh kẹo ngọt và các món ăn chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, mỳ tôm, các món kho mặn, nước dùng bún phở… Để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm. Như đái tháo đường, tăng huyết áp. Trường hợp đã mắc các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận… như bố của bạn, cần liên hệ với chuyên khoa dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng chi tiết hơn.
Người cao tuổi cần tập luyện hàng ngày
Ngoài ra, người cao tuổi cần duy trì tập luyện hàng ngày. Ưu tiên các hoạt động tiếp xúc ánh nắng mặt trời, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Giúp tổng hợp vitamin D, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ loãng xương, nguy cơ ngã ở người cao tuổi. Nếu trong giai đoạn dịch hạn chế ra ngoài nên tập các bài tập tại nhà. Như yoga, dưỡng sinh, thái cực quyền, đứng lên ngồi xuống, tập các bài tập thăng bằng.
Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm đi 20%. Ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Theo nhu cầu khuyến nghị của người Việt Nam, với người cao tuổi nhu cầu về năng lượng là từ 1700-1900 kcal/người/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp 68%, các chất béo cung cấp 18%. Và các chất đạm cung cấp 14% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Người cao tuổi cần điều chỉnh chế độ ăn để giữ cân nặng ổn địn. Để chỉ số BMI từ 18,5-22,9.
Duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan, tránh stress giúp tăng cường miễn dịch, đảm bảo khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần giúp phòng chống dịch bệnh.